Nền mỹ thuật Việt Nam từ xưa đến nay đã ghi dấu ấn với rất nhiều các tác phẩm nổi danh, thế nhưng rất ít trong số chúng được định giá một cách chính xác. Điều này vô tình làm cho giá trị của các tác phẩm nghệ thuật Việt bị đánh giá thấp hơn so với tổng thể chung của nền mỹ thuật thế giới.
Vậy nhưng trong phiên đấu giá Southeast Asian Modern & Contemporary Art của nhà Bonhams diễn ra tại Hong Kong vừa qua, hội hoạ Việt đã thực sự “nở mặt nở mày” khi 2 trong số các tác phẩm đem đi dự triển lãm được đấu giá thành công với mức giá lên tới hàng triệu USD – cao gấp nhiều lần với mức giá ước định.
Bức bình phong sơn mài “Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long”
Vịnh Hạ Long – Tác phẩm tranh của Việt Nam được đấu giá cao lên tới hàng triệu USD
Nằm ở lô 18, bức bình phong “Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long” (Golden Sunset over Halong Bay) là bức tranh sơn mài có kích thước 100 x 198cm, được sáng tác vào năm 1938 – 1945 của Phạm Hậu đã được bán với giá 9.732.500 HKD, tương đương hơn 1.247.937 USD – tăng khoảng 340% so với giá ước định ban đầu (2.800.000 đến 3.800.000 HKD).
Điều đặc biệt đây là một tác phẩm nghệ thuật gắn liền với vị hoàng đế cuối cùng của lịch sử Việt Nam – hoàng đế Bảo Đại, được ông tặng cho nhà báo Mỹ đoạt giải Pulitzer Edgar Ansel Mowrer khi ông có dịp ghé thăm và gặp mặt với vua tại Đà Lạt.
Không phải nói tác phẩm của Phạm Hậu đặc sắc thế nào khi chính giá trị được thẩm định của nó đã là minh chứng rõ nhất cho những gì tác phẩm này đem lại. Theo nhận định của nhà đấu giá Bonhams Hồng Kông: Phạm Hậu được biết tới như một người tiên phong, góp phần khai sinh ra nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Bức tranh Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long của ông diễn tả vẻ đẹp tuyệt vời của vùng vịnh khi chìm vào hoàng hôn. Từ cảnh biển bao la, vẻ đẹp trù phú của thiên nhiên theo từng lớp,…. tất cả đã được gói gọn trong những nét vẽ điêu luyện của người hoạ sĩ. Đặc biệt, bức bình phong này còn mang những dấu ấn tuyệt vời xứng tầm kiệt tác như: góc nhìn ban đầu, bố cục thơ, các kỹ thuật sơn mài đỉnh cao,….
Tác phẩm càng được nâng tầm giá trị khi được mạ vàng và đỏ rực rỡ – đây là những màu chính thức của hoàng gia lẫn triều đình. Do đó, giá trị của tác phẩm là khó có thể được thẩm định một cách chính xác. Nó mang trong mình những giá trị lớn về văn hoá – nghệ thuật, thậm chí là cả giá trị lịch sử cao quý.
Tranh lụa “Chơi đàn nguyệt”
Nằm ở lô số 17, tác phẩm “Chơi đàn nguyệt” (Lady Paying a Nguyet Cam) 73 x 61cm, sáng tác năm 1943 của Mai Trung Tứ đã được bán với giá 7.812.500 HKD, tương đương hơn 1 triệu USD. Mức giá này cao hơn gấp nhiều lần so với giá ước định ban đầu là 1.200.000 đến 2.200.000 HKD – rơi vào khoảng 650%.
Tranh lụa “Chơi đàn nguyệt” của hoạ sĩ Mai Trung Thứ
Vẻ đẹp của tranh lụa Mai Trung Thứ không chỉ nằm ở đường nét, chất liệu tranh mà còn được thể hiện trong những chi tiết tinh tế mà tác giả muốn gửi gắm. Tranh khắc hoạ vẻ đẹp dịu dàng, nét đài các cùng sự tài hoa của người thiếu nữ Việt. Ý tranh bình dị, mộc mạc nhưng được thể hiện hết sức độc đáo. Đặc biệt trong tranh còn có một chi tiết nhỏ đáng chú ý là cuốn sách màu đỏ đặt trên bàn có tên Ngọc Hoa – truyện Nôm khuyết danh của Việt Nam thế kỷ 18. Truyện kể về mối tình đẹp đầy tính sử thi của 2 nhân vật Ngọc Hoa và Phạm Tải.
Chính những yếu tố độc đáo này của tác phẩm đã giúp tranh nhận được sự đánh giá cao của hội đồng thẩm định cùng giới chuyên môn và người chơi tranh trên khắp thế giới. Và đó cũng là lý do vì sao các bức tranh này lại được đấu giá cao đến vậy.
Có thể nói, hội hoạ Việt Nam đang từng bước chuyển mình và nâng cao vị thế khi liên tục có những tác phẩm được hội đồng chuyên môn và giới phê bình đánh giá cao – minh chứng rõ nhất thông qua mức giá bán ra của các bức tranh này. Tranh Việt có sự độc đáo trong đường nét, cách thức thể hiện. Hơn hết đó chính là giá trị văn hoá – lịch sử mà tác giả muốn gửi gắm. Hy vọng trong tương lai tranh Việt nói riêng, hội hoạ Việt nói chung sẽ được ghi nhận nhiều tin vui hơn nữa từ chính những tác phẩm độc đáo do người Việt thực hiện, hoạ trên chính chất liệu Việt.
Biên tập viên
Thùy Linh
If you have a place to go when being tired, it is your home. If you have someone to love and share, it is your family. And if you have both, it is the happiness thing.